Đánh giá Hợp_tung

Hợp tung (cũng như liên hoành) không phải là một hệ phái chính trị hay hệ phái học thuật, chỉ là chính sách liên minh vì lợi ích sinh tồn trực tiếp của từng quốc gia. Hợp tung không bền vững ngay từ những lần tập hợp đầu tiên, nên các sử gia vẫn gọi vắn tắt là kiểu liên minh "sớm vầy tối khác"[1].

Các nước chư hầu đương thời có mối quan hệ phức tạp, nên các biện sĩ tìm nhiều cách để khai thác du thuyết nhằm kiếm danh lợi[21]. Các sử gia cho rằng hợp tung có những nhược điểm lớn, là một nguyên nhân quan trọng khiến các nước hợp tung thất bại trong việc chống Tần[21]:

  1. Quá coi trọng việc dựa vào sức mạnh bên ngoài (của nước khác), phóng đại quá mức tác dụng của sách lược và mưu kế, không quan tâm đúng mức tới phát huy những yếu tố nội tại như cải cách kinh tế, chính trị nước mình để cho nước giàu binh mạnh
  2. Thiếu tầm nhìn xa, chỉ mong muốn đạt được hiệu quả nhất thời

Trong 6 lần hợp tung, lần thứ 3 vào năm 287 TCN chỉ phát động mà không hành động nhằm vào Tần. Những cuộc tấn công khác hoặc thất bại hoặc không gây được tổn thất lớn cho nước Tần, cũng không đủ khả năng bù đắp những thiệt hại mà Tần đã gây ra cho các nước trước đó. Các nước tham gia hợp tung nhưng liên minh không chặt chẽ, không coi trọng tín nghĩa, thiếu lòng chân thành[26].

Hơn nữa, các nước hợp tung đều có những tính toán riêng vì lợi ích của mình, khi cần có thể lại ngả sang theo Tần và đánh nước đồng minh; bên ngoài có vẻ nhất trí nhưng bên trong lại do dự, mất đoàn kết. Ngoài ra, chính các nước Sơn Đông cũng gây nhiều cuộc chiến chống lại nhau nhằm thu lợi, tàn sát lẫn nhau, làm suy yếu đối thủ chung của nước Tần. Riêng nước Tề từ thời Tề vương Kiến chủ trương liên hoành, bỏ mặc các chư hầu không chi viện. Tất cả những yếu tố đó tạo điều kiện cho nước Tần càng về sau càng tiến về đông thuận lợi[27].

Xét trên thực tế, liên minh giữa các nước tạo ra sức mạnh đáng kể và khiến nước Tần phải dè chừng, vì thế để tiến về đông được, nước Tần phải tìm mọi cách phân hóa các nước hợp tung[28].

Trong sách Tư trị thông giám, sử gia Tư Mã Quang thời Bắc Tống cho rằng: "Hợp tung là quyền lợi cụ thể của 6 nước, giả dụ 6 nước có thể giữ chữ tín, chữ nghĩa để thân mật hợp tác, thì dù nước Tần cường bạo, sáu nước cũng không đến nỗi bị diệt vong"[29]. Tư Mã Quang xem Tam Tấn (Hàn, Triệu, Ngụy) là rào giậu, là bình phong của Tề và Sở, còn Tề và Sở là gốc rễ của Tam Tấn, giữa họ phải có sự nương tựa, tuyệt đối không thể tấn công lẫn nhau. Vì vậy Tư Mã Quang xem việc Tam Tấn đánh Tề là tự nhổ gốc rễ của mình, còn Tề và Sở tấn công Tam Tấn là tự bỏ rào giậu của mình. Sự chia rẽ giữa các chư hầu Sơn Đông giúp nước Tần lần lượt gạt bỏ từng chướng ngại để đi đến tiêu diệt toàn bộ[29].

Liên quan